Hệ thống chính trị Cộng hòa Serbia Krajina

Trong thời gian tồn tại, Serbia Krajina trải qua 3 đời tổng thống và 6 thủ tướng. Sau khi tuyên bố độc lập ngày 19 tháng 12 năm 1991, Milan Babić trở thành tổng thống nhưng giữ chức không lâu. Trong thời gian đó, ông cũng xung đột với tư lệnh dân quân và quốc phòng Milan Martić.[118]

Giai đoạn Serbia Krajina mới thành lập cho thấy sự phụ thuộc đáng kể vào Nam Tư và có nhiều bất đồng chính trị phức tạp, dẫn đến bất ổn chính trị. Quan hệ giữa Knin và Beograd rất phức tạp vào tháng 1 năm 1992 với bất đồng về Kế hoạch Vance. Milan Babić cho rằng kế hoạch này không phù hợp với lợi ích của Serbia Krajina, trong khi Slobodan Milošević ủng hộ triển khai kế hoạch giai đoạn đầu. Từ những bất đồng với Milošević, Babić hoàn toàn mất niềm tin vào Beograd. Ngày 22 tháng 1, Quốc hội Serbia Krajina bác bỏ kế hoạch cho lực lượng gìn giữ hòa bình vào Croatia. Nhưng đến ngày 9 tháng 2, dưới áp lực chính trị trị từ Beograd được nhiều người Krajina ủng hộ, quốc hội đành phải thông qua. Ngày 26 tháng 2, Babić mất chức. Theo đề nghị của Beograd, Goran Hadzić được bầu làm tổng thống mới và Zdravko Zecevic trở thành thủ tướng. Phe Babić không đồng ý với quyết định của quốc hội, Serbia Krajina nảy sinh chia rẽ. Ngày 12 tháng 12 năm 1993, cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội đa đảng đầu tiên được tổ chức tại Serbia Krajina. Được Milosević ủng hộ tại vòng hai, Milan Martić giành chiến thắng. Babić đồng ý thỏa hiệp, giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.[118]

Tổng thống

Goran Hadžić, tổng thống thứ hai của Cộng hòa Serbia Krajina

Các tổng thống Serbia Krajina:

  • Milan Babić (19 tháng 12 năm 1991 - 26 tháng 2 năm 1992)
  • Goran Hadžić (26 tháng 2 năm 1992 - tháng 12 năm 1993)
  • Milan Babić (tháng 12 năm 1993 - tháng 1 năm 1994; được bầu vào tháng 12 năm 1993, nhưng đến tháng 1 năm 1994, Milan Martić chiến thắng trong cuộc bầu cử mới)
  • Milan Martić (12 tháng 2 năm 1994 - tháng 8 năm 1995)

Tất cả các tổng thống Serbia Krajina về sau đều bị truy tố ở La Hay. Milan Babić bị cáo buộc trục xuất dân thường vì lý do chính trị, chủng tộc hoặc tôn giáo.[119] Ông nhận tội trước tòa và bị kết án 13 năm tù vào năm 2005,[120] nhưng đã tự sát vào năm 2006.[121] Milan Martić bị kết án 35 năm tù vì tội ác chiến tranh, vi phạm quy ước chiến tranh và trục xuất các dân tộc khác khỏi Serbia Krajina,[100] và đang thụ án tại Tartu, Estonia. Sau những vụ bắt giữ cựu Giám đốc An ninh Banja Luka Stojan Zupljanin ngày 11 tháng 6 năm 2008, cựu Tổng thống Serbia Radovan Karadžić ngày 21 tháng 7 năm 2008 và cựu tư lệnh tướng Ratko Mladić ngày 26 tháng 5 năm 2011, Goran Hadžić trở thành một trong những đối tượng bị truy nã gắt gao nhất ở La Hay. Chính quyền Serbia treo thưởng 5 triệu euro cho thông tin về nơi ở của Goran Hadžić. Sau bảy năm truy lùng, Hadžić bị bắt ngày 20 tháng 7 năm 2011.[122][123]

Chính phủ

Theo Hiến pháp Serbia Krajina, chính phủ nắm quyền hành pháp. Giai đoạn 1991-1995, có tổng cộng sáu chính phủ:[124]

  • Chính phủ Milan Babić (29 tháng 5 năm 1991 - 19 tháng 12 năm 1991)
  • Chính phủ Rista Matković (19 tháng 12 năm 1991 - 26 tháng 2 năm 1992)
  • Chính phủ Zdravko Zečević (26 tháng 2 năm 1992 - 28 tháng 3 năm 1993)
  • Chính phủ Đorđe Bjegović (28 tháng 3 năm 1993 - 21 tháng 4 năm 1994)
  • Chính phủ Borislav Mikelić (21 tháng 4 năm 1994 - 27 tháng 7 năm 1995)
  • Chính phủ Milan Babić (27 tháng 7 năm 1995 - 5 tháng 8 năm 1995)

Chính phủ Serbia Krajina thành lập trên cơ sở chính trị, các bộ trưởng không phải chuyên gia về lĩnh vực của bộ đó. Theo Kosta Novaković, thành viên hai chính phủ đầu tiên đều đến từ Knin và Bắc Dalmatia nên không tác động được đến các vùng khác của Serbia Krajina.[125]

Quốc hội

Quốc hội Serbia Krajina đầu tiên thành lập cuối năm 1991 với sự triệu tập Hội đồng SAO Krajina, Hội đồng Tây Slavonia và Đại hội đồng Đông Slavonia, Baranja và Tây Srem. Có hơn 200 đại biểu tham dự. Ngày 19 tháng 12 năm 1991, quốc hội thông qua hiến pháp và tuyên bố khai sinh Cộng hòa Serbia Krajina.[126] Đầu năm 1992, quốc hội bị chia rẽ do các quan điểm trái chiều về đề xuất giải pháp hòa bình trên cơ sở Kế hoạch Vance. Milan Babić phản đối kế hoạch này, những đại biểu ủng hộ tập trung tại Knin gọi là "Hội đồng Knin". Chủ tịch quốc hội Milo Paspalj dẫn một nhóm khác họp tại Glina gọi là "Hội đồng Glina". Đến năm 1993 mới tái hợp thành một quốc hội duy nhất.[127]

Quốc hội Serbia Krajina gồm 84 đại biểu được bầu vào. Nhiệm kỳ quốc hội kéo dài bốn năm. Tổng thống và các phó tổng thống đại diện cho cả ba vùng Krajina. Hiến pháp quy định quốc hội họp hai phiên một năm vào ngày làm việc đầu tiên trong tháng 3 và tháng 10, mỗi phiên không kéo dài quá 90 ngày. Quốc hội chịu trách nhiệm sửa đổi hiến pháp, thông qua luật, giám sát chính phủ, thông qua ngân sách, thay đổi các đơn vị hành chính,...[128]

Hiến pháp

Ngày 19 tháng 12 năm 1991 tại phiên họp chung Quốc hội các vùng, Hiến pháp Serbia Krajina được thông qua gồm 8 chương và 124 điều.[128]

Theo hiến pháp, Serbia Krajina "là nhà nước quốc gia của người Serbia và là nhà nước của tất cả công dân sống trong đó". Thủ đô là Knin. Quốc ca là bài "Bože Pravde" (Chúa công bình). Hiến pháp cũng xác định quốc kỳ và quốc huy. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Serbia dùng bảng chữ cái Kirin.[128]

Hành pháp

Ngay khi phát sinh xung đột giữa người Serb và người Croat, dân quân Krajina đã đóng vai trò quan trọng. Chính phủ Croatia gây áp lực bằng cách sa thải hầu hết người Serb khỏi bộ Nội vụ và đuổi họ ra khỏi những nơi có đa số người Croat sinh sống.[69] Dân quân tại các khu vực có đa số người Serb tiến hành phản kháng lại, cả khi thay đổi phù hiệu cảnh sát mới. Khi xung đột khởi phát, các đồn cảnh sát ở một số thành phố rút khỏi bộ Nội vụ và thành lập Milicija Krajina (Dân quân Krajina), đứng đầu là thanh tra quân sự Milan Martić. Ngày 4 tháng 1 năm 1991, Ban Thư ký Nội vụ được thành lập, do Milan Martić đứng đầu. Dân quân Krajina nhiều lần tham gia các hoạt động quân sự, mặc dù chỉ được trang bị vũ khí cỡ nhỏ. Theo các nhà nghiên cứu phương Tây, tháng 7 năm 1991, Krajina có khoảng 7.000 dân quân chính thức và khoảng 20.000 dự bị. Theo các tác giả Serbia, ngày 9 tháng 10 năm 1991, Milicija Krajina có 1.200 quân, 500 đặc nhiệm và 1.200 quân dự bị, nằm trong bảy ban nội vụ (ở Knin, Korenica, Petrinja, Vojnić, Okučani, Beli Manastir và Vukovar).[129]

Văn phòng các đơn vị dân quân biệt lập được thành lập ngày 28 tháng 4 năm 1992. Các đơn vị phiên thành tám lữ đoàn với 24.000 quân, là giai đoạn trung gian chuyển tiếp giữa đội Phòng vệ Lãnh thổ tiến lên quân chính quy. Nhiệm vụ chính là bảo vệ biên giới. Các đơn vị này giải tán vào tháng 10 năm 1992 để thành lập quân chính quy. Lực lượng dân quân thường tồn tại đến cuối năm 1995. Ngày 5 tháng 10 năm 1994, có tổng cộng 3.850 dân quân, bao gồm 1.950 lính thường, 183 thanh tra, 591 đặc nhiệm, 422 sĩ quan chức và 694 lính dự bị. Ngày 1 tháng 7 năm 1996, Milicijan Krajina ở Đông Slavonia, Baranja và Tây Srem được đổi tên thành Prelaznu policiju (Cảnh sát chuyển tiếp) thành phần gồm người Serb, người Croat và các quan sát viên Liên Hợp Quốc. Ngày 15 tháng 12 năm 1997, các lực lượng này chính thức sáp nhập vào Cảnh sát Croatia.[129]

Hệ thống tư pháp Serbia Krajina gồm: Tòa án tối cao, Tòa Hiến pháp, tòa án cấp huyện và thành phố trực thuộc trung ương. Năm 1994 thành lập Tòa án quân sự. Bên cạnh đó là các văn phòng công tố được tổ chức và hoạt động.[130]

Lực lượng vũ trang

Trang bị quân phục đầy đủ trong Quân đội Serbia Krajina

Cuộc tấn công của Croatia vào cao nguyên Miljevać cho thấy lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ không thể bảo vệ Serbia Krajina. Vì vậy, ngày 16 tháng 10 năm 1992, Quân đội Serbia Krajina SVK mang tính chính quy được thành lập.[131] Quân đội được tạo thành bằng việc cải cách các lữ đoàn biệt lập và dân quân chuyển thành phân đội chính quy. Quân số được phối trí trong sáu quân đoàn và Bộ Tổng tham mưu. SVK gồm Bộ Tổng tham mưu, các đơn vị tham mưu, quân đoàn và phòng không không quân (Ratno vazduhoplovstvo i protivvazdušna odbrana Vojske Republike Srpske - RV i PVO). Về cơ bản, quân đoàn SVK bao gồm sở chỉ huy, một số lữ đoàn bộ binh, tiểu đoàn pháo binh, một sư đoàn chống tăng, một sư đoàn phòng không và hậu cần.[132] Một số quân đoàn có các đơn vị đặc nhiệm, Quân đoàn 7 còn có một đoàn tàu bọc thép Krajina ekspres. Ngoại trừ Quân đoàn đặc nhiệm thành lập hè năm 1995, các quân đoàn khác đều dựa trên vùng lãnh thổ nhất định.[133]

Hội đồng Quốc phòng Tối cao điều phối hoạt động Bộ Quốc phòng và quân đội. Hội đồng gồm tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng nội vụ và tư lệnh quân đội. Hội đồng Quốc phòng Tối cao xác định vị trí quân sự, chỉ đạo phòng thủ khi bị đe dọa, điều động quân đội và các hoạt động khác phù hợp với hiến pháp và pháp luật.[128]

Sau khi Serbia Krajina giải thể năm 1995, phần lớn vũ khí của SVK đã được chuyển đến lãnh thổ Republika Srpska và được quân đội VRS (Vojska Republike Srpske) tại đó tiếp nhận. Một số quân nhân SVK tiếp tục gia nhập VRS. Đơn vị còn lại cuối cùng là Quân đoàn 11 Đông Slavonia thành lập mùa thu năm 1995 do Nam Tư cung cấp vũ khí. Sau Hiệp định Erdut, ngày 21 tháng 6 năm 1996, Quân đoàn cuối cùng này bị giải tán và bàn giao lại vũ khí cho Quân đội Nam Tư JNA.[134]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cộng hòa Serbia Krajina http://www.andrija-hebrang.com/homeland_war.htm http://books.google.com/books?id=1yUsAQAAMAAJ http://books.google.com/books?id=dY7shKpJ2B0C http://www.srpskapolitika.com/Tekstovi/Komentari/2... http://www.vladarsk.com/ http://www.scc.rutgers.edu/serbian_digest/151/t151... http://www.eparhija-dalmatinska.hr/Istorija1-c.htm http://www.eparhija-dalmatinska.hr/Manastiri-Krka-... http://www.eparhija-dalmatinska.hr/Manastiri-Krupa... http://www.lovas.hr/stradanje-u-domovinskom-ratu